Hành trình đến bản Cát Cát Sapa: Bức tranh văn hóa đặc sắc tại Tây Bắc

Bản Cát Cát Sapa là ngôi làng cổ nổi tiếng với những nét đẹp độc đáo, bình yên. Nằm giữa núi rừng Tây Bắc bạt ngàn, nơi đây từ lâu đã trở thành “ngôi làng đáng sống” đồng thời cũng là điểm du lịch lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước. Hãy cùng VNPAY khám phá về những thông tin thú vị của bản Cát Cát khi du lịch Sapa trong nội dung dưới đây nhé!

1. Bản Cát Cát Sapa nằm ở đâu?

Bản Cát Cát là một trong các địa điểm du lịch Sapa nổi tiếng nhất hiện nay. Bản làng này nằm dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, cách Hà Nội 5 - 6 giờ di chuyển nếu đi bằng đường cao tốc. Nếu xuất phát từ Trung tâm thị trấn Sapa, bạn chỉ cần đi khoảng hơn 2km là sẽ đến bản Cát Cát.

Bản Cát Cát là một viên ngọc quý của Sapa, hấp dẫn du khách bởi cảnh quang thiên nhiên hùng vĩ và văn hóa đa dạng của người H'Mông. Không khó để bạn bắt gặp những dãy núi đồi đồi trùng điệp mênh mông, những thác nước lung linh và dòng suối mát lành chảy qua bản làng. Sự tồn tại hàng trăm năm của những ngôi nhà H'Mông truyền thống với vách gỗ và mái bằng ván gỗ pơ mu đã tạo nên nét đẹp đặc trưng và sự gần gũi với thiên nhiên.

Cái tên Cát Cát được cho rằng bắt nguồn từ tiếng H'Mông, có nghĩa là "dưới chợ", ý chỉ thác nước dưới chợ. Một phiên bản khác lại cho rằng, khi người Pháp khám phá vùng đất này, họ đã bị ấn tượng bởi một thác nước đẹp lung linh. Và trong tiếng Pháp, "thác nước" được gọi là "cascade," phát âm giống như "cát cát". Từ đó, ngôi làng nhỏ này có tên Cát Cát.  

Khi đến đây, du khách sẽ được ngắm nhìn quang cảnh thiên nhiên với những nét đẹp riêng như ruộng bậc thang mùa lúa chín, sắc hoa ngập tràn vào mùa xuân... Ngoài ra, bạn cũng có thể hòa mình vào các hoạt động văn hóa của người dân tộc H'Mông.

bản Cát Cát mấy giờ đóng cửaBản Cát Cát Sapa nằm yên bình dưới dãy Hoàng Liên Sơn (Nguồn ảnh: Internet)

>>>> Xem Thêm: Tổng hợp các bản ở Sapa

2. Thời điểm thích hợp để du lịch bản Cát Cát

Bản Cát Cát Sapa có khí hậu mát mẻ và cảnh sắc thiên nhiên mang những vẻ đẹp riêng vào mỗi mùa trong năm. Theo kinh nghiệm của các du khách và người dân bản địa, thời gian lý tưởng nhất để ghé thăm nơi đây là trong khoảng tháng 4 đến tháng 10. Đây là thời điểm bản Cát Cát đang có khí hậu ôn hòa, ít mưa nên du khách có thể di chuyển thuận tiện hơn. Thêm vào đó, đây cũng là thời gian diễn ra nhiều lễ hội truyền thống của người H'Mông, như lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Gầu Tào,... Bạn có thể tìm hiểu về văn hóa và phong tục tập quán của người H'Mông.

Ngoài ra, nếu muốn tránh khoảng thời gian đông khách du lịch, bạn có thể đến du lịch bản Cát Cát vào mùa đông (từ tháng 11 đến tháng 3). Thời tiết lúc này khá lạnh nhưng bạn vẫn có thể chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt đẹp của núi rừng Tây Bắc và tận hưởng không khí trong lành, yên tĩnh của bản làng.

>>>> Đọc Thêm: Đi Sapa mùa nào đẹp nhất?

3. Hướng dẫn di chuyển và tham quan bản Cát Cát chi tiết

Để có một chuyến tham quan thuận lợi với những cảm xúc trọn vẹn nhất tại bản Cát Cát Sapa, bạn đừng bỏ qua những thông tin quan trọng bên dưới nhé!

3.1 Cách di chuyển

Bản Cát Cát là ngôi làng cổ nổi tiếng, được thành lập từ thế kỷ 19. Để đi đến đây, trước tiên, bạn cần phải di chuyển đến Trung tâm thị xã Sapa. Sau đó, từ chợ Sapa, du khách di chuyển theo hướng Tây Nam đi Lương Đình Của. Tới đường Điện Biên Phủ, bạn rẽ vào đường Xuân Viên rồi tiếp tục đi đến đường Fansipan. Cuối cùng, đi tiếp theo đường này, bạn sẽ đến được bản Cát Cát.

Tuyến đường từ chợ Sapa đến bản Cát Cát dài khoảng 2-3km và đã được trải nhựa nên không khó đi, cũng không gây cảm giác khó chịu, mệt mỏi cho du khách. Đặc biệt, khách du lịch có thể di chuyển đến bản bằng nhiều phương tiện khác nhau như xe máy, xe đạp hay đi bộ. Nếu di chuyển bằng xe máy, hành khách có thể gửi xe ngay tại đầu bản với giá 10.000 VND/ 1 xe.

3.2 Giá vé tham quan

Để tham quan, trải nghiệm những hoạt động văn hóa bản địa đặc sắc tại bản Cát Cát Sapa, du khách cần phải mua vé vào cổng. Giá vé mới được cập nhật gần đây nhất sẽ có sự thay đổi theo độ tuổi khách du lịch, cụ thể:

  • Trẻ em cao từ 1,4m và người lớn: 90.000 VND/vé/người
  • Trẻ em cao từ 1m - dưới 1,4m: 50.000 VND/vé/người
  • Trẻ em cao dưới 1m:  Miễn phí

Du khách cần lưu ý rằng, đây là giá vé vào cổng, chưa bao gồm các chi phí khác như thuê hướng dẫn viên, thuê phương tiện, mua các mặt hàng thủ công như túi, bông tai...

3.3 Giờ mở cửa tham quan

Bên cạnh cách thức di chuyển và giá vé, “bản Cát Cát mấy giờ đóng cửa” cũng là một vấn đề được nhiều du khách quan tâm. Thực tế, khu du lịch này sẽ mở cửa từ 5 giờ sáng đến 22 giờ, nhưng bạn nên về trước khi trời tối để tránh nguy hiểm và bị lạnh do sương đêm. Ngoài ra, bạn cũng có thể thuê homestay hoặc khách sạn trong bản nếu muốn ở qua đêm.

3.4 Nên mặc gì khi đi tham quan bản Cát Cát?

Khi tham quan bản Cát Cát Sapa, bạn có thể mặc bất cứ trang phục nào thoải mái và phù hợp với điều kiện thời tiết nơi đây. Thế nhưng có một lưu ý, bạn sẽ phải di chuyển một quãng đường không hề ngắn từ trạm soát vé để đến bản. Do đó, tốt nhất khi lựa chọn trang phục, bạn hãy chọn những bộ quần áo và giày dép mà bạn cảm thấy thoải mái, dễ dàng di chuyển.

Bên cạnh đó, nón hoặc mũ, kính râm, và kem chống nắng là những đồ vật cần thiết hỗ trợ bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời trong quá trình di chuyển và tham quan. Các bạn cũng nên chú ý đến dự báo thời tiết trong ngày và đem theo một chiếc áo khoác gió hoặc áo mưa nếu cần thiết.

Ngoài ra, nếu muốn hóa thân thành những chàng trai, cô gái dân tộc H'Mông chính hiệu, du khách có thể thuê trang phục ở ngay khu vực cổng vào bản với giá khoảng 100.000 VND - 150.000 VND/bộ.

bản Cát Cát mấy giờ đóng cửaDu khách có thể thuê các trạng phục dân tộc ngay đầu bản (Nguồn ảnh: Internet)

4. Khám phá nét đẹp văn hóa truyền thống tại bản Cát Cát Sapa

Ngoài cảnh quan thiên nhiên, bản Cát Cát Sapa còn thu hút khách du lịch bởi những nét văn hóa truyền thống lâu đời của người H'Mông. Vậy nét văn hóa của người H'Mông ở bản Cát Cát Sapa có gì nổi bật? Mời bạn cùng khám phá những trải nghiệm văn hóa thú vị khi đến đây trong phần này nhé!

4.1. Làng nghề truyền thống

Bên cạnh phát triển du lịch, bản Cát Cát cũng tiếp tục giữ gìn, phát triển các làng nghề thủ công truyền thống lâu đời - cái đã tạo nên những nét độc đáo trong văn hóa truyền thống nơi đây. Vì vậy, khi đến đây bạn có thể dễ dàng ghé thăm khu chế tác để tham quan, tìm hiểu về các nghề thủ công như:

Lăn đá - dệt vải

Dệt vải lanh là một nghề lâu đời của người dân tộc Mông. Vào mỗi cuối hạ, đầu thu, người dân nơi đây sẽ thu hoạch và phơi cây lanh, sau đó, cây lanh sẽ được tước thành những sợi nhỏ và dùng tảng đá lăn qua nhiều lần cho sợi lanh mềm ra, lúc này, sợi lanh mới đủ yêu cầu để bắt đầu dệt vải.

bản Cát Cát Sapa có gìDân làng lăn đá để những sợi lanh được mềm ra (Nguồn ảnh: Internet)

Vẽ sáp ong trên trang phục truyền thống

Trong các khâu để tạo nên một bộ trang phục truyền thống, công đoạn vẽ sáp ong để tạo hoa văn là công đoạn phức tạp và yêu cầu nhiều kỹ thuật, sự tỉ mỉ và khéo léo. Người nghệ nhân phải sử dụng một cây bút làm bằng tre hoặc gỗ, đầu bút được nhúng vào sáp ong nóng chảy và vẽ lên vải. Sau khi vẽ xong, vải sẽ được nhuộm màu và đem phơi khô.

Các họa tiết được vẽ bằng sáp ong trên trang phục truyền thống của người Mông rất đa dạng và phong phú, được lấy cảm hứng từ thiên nhiên, cuộc sống thường ngày và tín ngưỡng của người Mông. Một số họa tiết phổ biến bao gồm hoa lá, động vật, mặt trời, mặt trăng, núi non, sông nước,...

bản Cát Cát Sapa có gìNghề vẽ sáp ong trên trang phục truyền thống được lưu giữ tại bản Cát Cát (Nguồn ảnh: Internet)

Ngoài ra, các nghề thủ công khác cũng có tại nơi đây như đan lát, thổ cẩm, chế tác bạc... Khi đến với bản Cát Cát, du khách có thể tận mắt theo dõi người dân trực tiếp thao tác cũng như hòa mình cùng trải nghiệm những nghề truyền thống này. Thật thú vị phải không nào!

4.2. Văn hóa độc đáo

Khi ghé thăm bản Cát Cát, du khách sẽ được hòa mình vào những nét văn hóa đặc sắc của người H'Mông. Bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm không khí vui tươi, náo nhiệt của đêm nhạc sôi động, những điệu múa xinh đẹp cùng tiếng đàn ca du dương... Đặc biệt, bạn đừng quên thử sức với bộ môn Nhảy sạp - nghệ thuật truyền thống của người dân tộc nơi đây nhé!

4.3. Phong tục tập quán, tín ngưỡng

Nếu đến bản Cát Cát vào dịp đầu năm, bạn sẽ được trải nghiệm lễ hội Gầu Tào - một trong các lễ hội lớn nhất của người dân tộc H'Mông. Lễ hội này được tổ chức vào đầu năm để cầu phúc, cầu tài, cầu may và hy vọng về một năm mới mưa thuận gió hòa, cuộc sống tươi đẹp.

Lễ hội Gầu Tào của người H'Mông là sự kiện văn hóa quan trọng, diễn ra từ mùng 1 Tết đến 15 Tháng Giêng. Nếu liên tiếp 3 năm thì mỗi năm sẽ tổ chức 3 ngày, hoặc gộp lại 1 năm sẽ tổ chức 9 ngày. Ngoài các nghi lễ, hội Gầu Tào thể hiện đậm bản sắc văn hóa dân tộc H'Mông. Mục đích của lễ hội là cầu sức khỏe, bình an, thịnh vượng và mùa màng bội thu cho dân bản. Đây cũng là dịp quan trọng để mọi người đoàn tụ, quây quần bên nhau sau một năm làm việc vất vả.

bản Cát Cát SapaLễ hội Gầu Tào của người H'Mông (Nguồn: Internet)

Với mục tiêu quảng bá du lịch, những năm gần đây, chính quyền địa phương cũng triển khai nhiều chương trình văn hóa đặc sắc như “Ngày hội văn hóa H'Mông bản Cát Cát”, “Một ngày làm cô dâu người H'Mông”... Khi tham gia các chương trình này, du khách có thể trải nghiệm cuộc sống thường ngày của người H'Mông, thưởng thức các điệu múa cổ truyền và các trò chơi dân gian vị,...

4.4. Nhà trình tường

Nhà trình tường là kiểu nhà được xây bằng đất, sỏi theo kỹ thuật truyền thống của người dân tộc tại các bản làng. Ngôi nhà mang đến cảm giác mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông nên rất phù hợp với điều kiện thời tiết tại vùng núi phía Bắc.

Trong đó, khác với nhà trình tường của người Dao, Hà Nhì, Tày,... nhà trình tường của người H'Mông tại bản Cát Cát Sapa thường có hàng rào đá được dựng từ đá núi, chưa qua gọt giũa hay sử dụng chất kết dính bao quanh nhà. Tường đá chỉ cao nửa người, có tác dụng phân tách đất ở với vùng đồi nương bên ngoài. Cạnh hàng rào là lối vào với cánh cổng gỗ cao có mái che ở trên rất đẹp mắt.

Nhà trình tường ở Sapa có những đặc điểm độc đáo và ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa người dân tộc. Nền móng được xây chắc chắn, không sử dụng cột hay cọc, thể hiện sự khéo léo và tính kiên định của người xây dựng. Ngôi nhà phải có 3 gian, mỗi gian mang ý nghĩa riêng: Gian bên trái là nơi bếp lò và chỗ ngủ của chủ nhà, gian bên phải là bếp sưởi và giường khách và gian giữa lớn nhất để cúng thờ tổ tiên và tiếp khách, tạo không gian giao tiếp và đoàn tụ gia đình.

Khi xuân đến, hoa đào và hoa mận nở rộ tô điểm tô cho những ngôi nhà trình tường nơi đây thêm tươi tắn, màu sắc. Điều này tạo nên bức tranh mộc mạc và xinh đẹp, gợi nhắc về sự thịnh vượng, hạnh phúc của cộng đồng dân tộc trong vùng núi Sapa.

5. Những trải nghiệm thú vị không nên bỏ qua khi du lịch bản Cát Cát Sapa

Cùng với nét văn hóa độc đáo, vẻ đẹp thiên nhiên và những món ăn dân dã của người H'Mông bản địa cũng giúp bản Cát Cát Sapa níu chân khách du lịch. Khi đến tham quan tại đây, bạn chắc chắn không thể bỏ qua những trải nghiệm thú vị sau.

5.1. Ngắm nhìn thác Tiên Sa

Thác Tiên Sa, còn gọi là thác Cát Cát, là điểm du lịch nổi tiếng tại khu vực Bản Cát Cát. Được bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn và Suối Tiên, dòng nước chảy qua thác tạo nên khung cảnh thơ mộng và lãng mạn. Khi đứng dưới chân thác Tiên Sa, du khách không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp tự nhiên tuyệt diệu mà còn bị cuốn hút bởi tiếng ào ào của dòng nước.

Ngắm nhìn dòng nước nhẹ nhàng chảy từ thác xuống, ta có cảm giác bình yên, thư thái giữa không gian núi rừng Tây Bắc. Vẻ đẹp này cũng là nguồn cảm hứng cho các câu chuyện truyền thuyết về tiên nhân xuống trần tắm ở thác Tiên Sa. Tuy câu trả lời về sự hiện hữu của các nàng tiên vẫn còn bí ẩn, nhưng những câu chuyện này đều tôn vinh vẻ đẹp tuyệt vời của thác Tiên Sa và giữ cho cảnh sắc này thêm phần huyền bí và lôi cuốn.

bản Cát Cát SapaThác Tiên Sa (Nguồn ảnh: Internet)

5.2. Ngắm ruộng bậc thang hùng vĩ

Nhìn từ trên cao, bản Cát Cát như được bao bọc bởi những thửa ruộng bậc thang nhấp nhô, hùng vĩ, uốn quanh sườn đồi. Du khách đã từng đến thăm bản làng này đều nhận định, thời điểm đẹp nhất để ngắm ruộng bậc thang nơi đây là vào mùa nước đổ và mùa lúa chín.

Trong đó, mùa nước đổ sẽ rơi vào tháng 4, tháng 5, là khi người dân đổ nước, dẫn nước vào ruộng để cày xới, cấy lúa. Những thửa ruộng bậc thang lúc này trông giống như tấm gương bạc lớn, phản chiếu ánh sáng long lanh dưới ánh mặt trời.

Ngược lại, vào mùa lúa chín trong khoảng tháng 8 - tháng 9, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các thửa ruộng nhuộm màu vàng óng ánh, rực rỡ của lúa chín.

bản Cát Cát SapaRuộng bậc thang Sapa nhuộm màu vàng óng của lúa chín (Nguồn ảnh: Internet)

5.3. Thỏa sức check in sống ảo

Được mệnh danh là “ngôi làng đẹp nhất Tây Bắc”, bản Cát Cát chính là thiên đường của các tín đồ thích sống ảo. Đây chắc chắn sẽ là nơi mà du khách có những bức ảnh xinh đẹp nhất. Để trải nghiệm này trở nên thú vị hơn, bạn có thể thuê những bộ trang phục dân tộc ở đầu bản và chụp ảnh ở ruộng bậc thang, vườn hoa hồng cổ - tổ chim, guồng xoay nước khổng lồ, cầu gỗ,...

5.4. Thưởng thức món ăn địa phương

Nếu có dịp đến bản Cát Cát, du khách nhất định phải thưởng thức những món ăn bản địa đặc trưng của người H'Mông. Ẩm thực người H'Mông ở đây rất phong phú, trong đó, những món được người dân địa phương ưa thích là rượu Ngô, thịt sấy “Khăng Gai”, tiết canh gà, bánh ngô,... Ngoài ra, thắng cố và đậu xị cũng hấp dẫn nhiều du khách vì có cách chế biến và hương vị mới lạ.

Trên đây là toàn bộ thông tin về bản Cát Cát Sapa mà du khách không thể bỏ qua để có một kỳ nghỉ đáng nhớ. Ngoài bản Cát Cát, Sapa còn sở hữu nhiều điểm tham quan thú vị khác với những trải nghiệm đặc sắc. Để tiếp tục khám phá về thiên đường du lịch này và những điểm đến hấp dẫn trên khắp cả nước, bạn đừng quên theo dõi và đón đọc các nội dung tiếp theo của VNPAY nhé!

>>>> Thăm Thú Thêm Các Bản Làng Khác: